Tuesday, September 1, 2015

Điều trị và phòng ngừa bệnh trĩ ở người cao tuổi

Bệnh trĩ là bệnh rất phổ biến ở cả nam và nữ, đặc biệt là người cao tuổi (NCT), gây ra sự ám ảnh, đau đớn, khổ sở, giảm chất lượng cuộc sống và gây nhiều biến chứng cho người bệnh.

Trĩ là bệnh rất phổ biến ở cả nam và nữ, đặc biệt là người cao tuổi (NCT), gây ra sự ám ảnh, đau đớn, khổ sở, giảm chất lượng cuộc sống và gây nhiều biến chứng cho người bệnh. Theo kết quả một cuộc nghiên cứu được đưa ra gần đây, khoảng 30 - 50% dân số Việt Nam mắc căn bệnh này. Tuy vậy, bệnh trĩ có thể phòng ngừa được.

Vì đâu mắc trĩ?

Trĩ là sự giãn hoặc phồng lên quá mức của một hay nhiều tĩnh mạch thuộc hệ thống các đám rối tĩnh mạch của trực tràng gây nên. Có 3 loại trĩ nội, trĩ ngoại hay trĩ hỗn hợp. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng như đặc thù nghề nghiệp khi còn trẻ, tư thế làm việc đứng hoặc ngồi quá lâu, ít vận động (công nhân dệt may, đứng máy), lái xe đường dài; nhân viên văn phòng (do tính chất công việc căng thẳng, phải ngồi nhiều); hoặc một số NCT bị viêm đại tràng mạn tính, táo bón kéo dài, nhịn đại tiện thời gian lâu, ít vận động, do mắc bệnh lỵ mạn tính, nhất là lỵ amíp, mỗi ngày đi đại tiện nhiều lần và mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng (bởi vì, mỗi lần rặn áp lực trong ổ bụng sẽ tăng lên 10 lần); mặt khác, do ngại ăn rau, uống ít nước gây táo bón, đại tiện khó khăn (phải rặn) nên nhiều NCT cũng mắc bệnh. Những người lúc trẻ hay phải mang vác nặng và trong một thời gian dài làm cho áp lực ổ bụng tăng lên và làm cho tĩnh mạch trực tràng và hậu môn bị phình, giãn ra, về già sẽ bị bệnh; hoặc mắc bệnh mạn tính về hô hấp, viêm họng mạn tính, giãn phế quản, hen suyễn, COPD... ho kéo dài làm tăng áp lực ổ bụng, kéo theo tăng áp lực trực tràng; cũng có thể mắc bệnh.
nguoi-cao-tuoi
Thường xuyên tập thể dục, vận động cơ thể tránh táo bón dẫn đến bệnh trĩ.

Triệu chứng và biến chứng của bệnh trĩ

Chảy máu khi đại tiện là triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất làm cho người bệnh rất lo lắng, băn khoăn. Lúc đầu chảy máu rất kín đáo, tình cờ người bệnh phát hiện khi nhìn vào giấy lau vệ sinh sau khi đi đại tiện hoặc nhìn vào phân thấy vài tia máu nhỏ dính vào thỏi phân rắn. Càng về sau do bệnh nặng thêm, mỗi lần đi đại tiện, phải rặn nhiều, máu bám vào phân càng nhiều, thậm chí máu chảy thành giọt hay thành tia. Đôi khi đi đại tiện thấy một số cục máu là do máu từ búi trĩ chảy ra đọng lại trong lòng trực tràng. Khi bệnh đã nặng, đi lại nhiều hoặc ngồi xổm cũng ra máu ở hậu môn.

Sa búi trĩ: Ở NCT, khi mắc bệnh trĩ rất dễ sa búi trĩ ra ngoài mỗi lần đi đại tiện (gặp ở hầu hết các trường hợp bị trĩ nội). Lúc đầu, sau mỗi khi đại tiện thấy có máu và một khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, có thể tự tụt vào được. Càng về sau búi trĩ càng thòi ra, khối lượng cũng to dần lên và không tự tụt vào được, phải dùng tay nhét vào. Khối búi trĩ đó dần dần nằm ngoài hậu môn không đẩy lên được, nếu cố đẩy sẽ rất đau đớn, đặc biệt với người tuổi cao, sức yếu.

Thông thường bệnh trĩ không gây đau, chỉ đau khi có biến chứng như tắc mạch hoặc sa trĩ bị nghẹt hay do các bệnh khác kèm theo ở vùng hậu môn như nứt kẽ hậu môn, áp-xe cạnh hậu môn...

Bệnh trĩ gây nhiều biến chứng đối với người cao tuổi. Khi bệnh nặng, thành của đám rối tĩnh mạch quanh trực tràng, hậu môn giãn mỏng nên rất dễ thủng, rách và chảy máu. Nếu chảy máu nhiều và kéo dài sẽ làm người bệnh bị thiếu máu, thậm chí phải cấp cứu do chảy máu nhiều gây trụy mạch. Khi trĩ thòi ra ngoài lâu sẽ gây chảy máu, nứt hậu môn, thậm chí rặn quá nhiều còn ảnh hưởng tới tầng sinh môn. Nứt, rách hậu môn và tầng sinh môn rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn từ phân và nước tiểu gây áp-xe, viêm nhiễm nặng hoặc gây nhiễm khuẩn huyết.

Điều trị và dự phòng thế nào?

Khi NCT nghi ngờ mắc bệnh trĩ, nên đi khám ngay để được điều trị càng sớm càng tốt. Bệnh trĩ đang ở mức độ nhẹ thì có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc uống, thuốc đặt hậu môn) kết hợp với chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý. Khi bệnh đã nặng, điều trị nội khoa không còn hiệu quả thì sẽ được can thiệp bằng ngoại khoa (thắt, cắt).

Để phòng bệnh trĩ, chế độ ăn có vai trò rất quan trọng. NCT cần ăn nhiều chất xơ, tăng cường rau xanh và trái cây chín sau mỗi bữa ăn, đặc biệt với những người bị táo bón lâu ngày có nguy cơ mắc bệnh trĩ. Cần uống đủ lượng nước (mỗi ngày uống khoảng từ 1,5 - 2 lít). Nên tránh các loại có tính chất kích thích (cà phê, nước chè, rượu) và các loại gia vị cay, nóng (ớt, hạt tiêu, mù tạt). Nên tập thói quen đi đại tiện đều đặn hàng ngày vào một giờ nhất định, khi đi ngoài không nên ngồi lâu. Hàng ngày cần vận động cơ thể như đi bộ, chơi thể thao phù hợp với hoàn cảnh và sức lực của mình.

Lưu ý: Những thông tin trên mang tính chất tham khảo, để việc điều trị bệnh của bạn có hiệu quả cao nhất bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng! 

Để được tư vấn về sức khỏe tổng quát, sức khỏe về bệnh, và cách phòng tránh xin vui lòng liên hệ:

NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN

LƯƠNG Y: NGUYỄN THỊ HIỀN

Điện thoại: 0987.404.608

Địa chỉ: Xóm Đình, thôn Phú Vinh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội

Website: luongynguyenthihien.com | Email: luongynguyenthihien@gmail.com

No comments:

Post a Comment